Loading...
 

Các vai trò khác trong cuộc họp

 

Ngoài các vai trò tiêu chuẩn trong cuộc họp, các Câu lạc bộ có thể tự do xác định những vai trò và phần họp đặc biệt của riêng họ.

Ví dụ: một số câu lạc bộ có "Người chủ trì nói đùa" để kể hoặc yêu cầu mọi người kể chuyện cười nhằm phá băng và thực hành một trong những công cụ khó nhưng hữu ích nhất trong việc nói chuyện trước công chúng – sự hài hước.

Một số câu lạc bộ có các trò chơi ngôn ngữ để giúp các thành viên cải thiện khả năng kiểm soát ngôn ngữ, và họ có một vai trò gọi là "Người chủ trì trò chơi", người phụ trách tổ chức phần trò chơi ngôn ngữ cho cuộc họp cụ thể đó.

Nếu bạn có các vai trò khác thường, vui lòng đảm bảo rằng Người chủ trì cuộc họp hoặc những người phụ trách các vai trò này đều giải thích mục đích của vai trò khi bắt đầu cuộc họp vì lợi ích của cả khách mời và các thành viên mới, những người có thể không biết về các vai trò này.

Nếu bạn là Phó Chủ tịch phụ trách Giáo dục của một câu lạc bộ và bạn muốn thử một phần mới, bạn không cần phải xin phép bất kỳ ai để có một vai trò đặc biệt trong các cuộc họp câu lạc bộ của mình – hãy cứ tiến hành, thử nghiệm và xem hiệu quả ra sao. Mặt khác, nếu bạn là thành viên câu lạc bộ hoặc một cán bộ khác, hãy nói chuyện với Phó Chủ tịch phụ trách Giáo dục của bạn và cùng nhau tiến hành trong kế hoạch giáo dục.

Dù bạn muốn xác định vai trò nào, đừng bao giờ quên rằng mục tiêu chính của Agora Speakers chủ yếu là giáo dục, nhiều hơn là giao lưu xã hội. Như vậy, mọi hoạt động đều phải hướng tới việc giáo dục các thành viên.

Ngoài ra, hãy cẩn thận để không làm quá tải cuộc họp với quá nhiều thứ. Những cuộc họp kéo dài hơn 2 giờ có xu hướng trở nên nhàm chán rất nhanh. Nếu cuộc họp của bạn kéo dài quá lâu, bạn có thể bắt đầu thấy mọi người (đặc biệt là khách) bỏ về giữa cuộc họp, điều này có thể làm hỏng sự thích thú và tinh thần chung, chưa kể khiến cho mọi người rất mất tập trung.

Yêu cầu đối với các phần riêng

Như đã nêu trên, tất cả các Phần riêng đều phải:

  • Có mục đích giáo dục phù hợp với các quy định của Agora Speakers International. Dưới đây là một số ví dụ về những gì không phù hợp. Xin lưu ý rằng đây không phải là một danh sách đầy đủ.
    • Những phần đi ngược lại các Nguyên tắc cốt lõi của Tổ chức.
    • Những phần giáo dục về một tôn giáo cụ thể hoặc về tôn giáo nói chung (điều này vi phạm nguyên tắc Trung lập. Ngay cả khi chủ đề là Tôn giáo nói chung chứ không phải một tôn giáo cụ thể nào, thì vẫn vi phạm nguyên tắc Trung lập).
    • Những phần thúc đẩy hoặc xoay quanh một đảng phái chính trị, hệ tư tưởng hoặc bộ nguyên tắc đạo đức.
    • Những phần thúc đẩy bất kỳ hình thức phân biệt đối xử, không khoan dung, hận thù, bạo lực, v.v. nào hoặc đi ngược lại hướng dẫn về Nội dung bài nói.
    • Những phần đi ngược lại các mục tiêu chính thức của chúng tôi. Ví dụ: không cho phép có những phần cổ xúy hoặc giáo dục việc chống lại sự tiến bộ công nghệ hoặc khoa học, chống lại sự tham gia câu lạc bộ của thanh thiếu niên (ở mọi lứa tuổi) hoặc chống lại sự cởi mở và trao đổi văn hóa, v.v.
    • Những phần thúc đẩy hoặc giáo dục về giả khoa học.
  • Được phân bổ một khoảng thời gian cụ thể, được biết trước và được kiểm soát bởi Người bấm giờ của cuộc họp.
  • Có phần triển khai được xác định rõ ràng và được biết trước.

Nếu bạn muốn triển khai một phần mới trong các cuộc họp của mình nhưng không chắc phần đó có phù hợp với các yêu cầu này hay không, vui lòng nhắn cho chúng tôi theo địa chỉ info@agoraspeakers.org.

 

Có hiệu quả? Hãy chia sẻ! Chưa hiệu quả? Tiếp tục thử nghiệm!

Nếu bạn thử nghiệm một vai trò hay một hoạt động mới và phát hiện ra nó có hiệu quả, hãy nhắn cho chúng tôi và chia sẻ về kinh nghiệm của bạn để chúng tôi có thể thúc đẩy nó cho tất cả các câu lạc bộ trên toàn thế giới – chúng tôi không ngừng gia tăng số lượng và sự đa dạng của các hoạt động cùng vai trò trong cuộc họp để phục vụ các thành viên tốt hơn. Những phần như Bắn tỉa, Hội đàm và các phần khác đã được thêm vào nhờ sự đóng góp của các thành viên.

Mặt khác, nếu phần đó diễn ra không tốt như kế hoạch – không sao cả. Có thể là ý tưởng cần được xây dựng thêm đôi chút. Hãy áp dụng chu trình "Cải tiến liên tục" và thử lại. Thu thập phản hồi, chỉnh sửa ý tưởng một chút và xem liệu với những thay đổi mới đó, mọi thứ có thể diễn ra hiệu quả hơn hay không.

 

Biểu mẫu vai trò/phần cuộc họp

Để ghi lại một vai trò cuộc họp hoặc một phần họp mới, vui lòng sử dụng cấu trúc sau. Chúng tôi sử dụng cấu trúc này trên toàn bộ wiki và cả trong các hệ thống trực tuyến của mình.

  • Tên phần họp  – Ví dụ: "Góc hài hước".
  • Thời lượng và tín hiệu đề xuất  Phần này thường kéo dài bao lâu? Tín hiệu Xanh và Vàng nên được bật vào những thời điểm nào?
  • Độ khó – Câu lạc bộ sẽ gặp khó khăn đến đâu trong việc tổ chức phần thi? Chúng tôi có ba cấp độ:
    • Dễ – Bất kỳ câu lạc bộ nào cũng có thể tổ chức phần họp này, ngay cả khi vừa mới thành lập.
    • Vừa – Phần này phù hợp hơn với các câu lạc bộ đã nắm vững chương trình họp cơ bản.
    • Khó – Phần này đòi hỏi câu lạc bộ cần ổn định với sự tham dự thường xuyên của mọi người và có khả năng tổ chức tốt (ví dụ: phần Phản biện sẽ nằm ở đây, vì nó đòi hỏi khá nhiều ở khâu tổ chức và người tham gia để được thực hiện thành công).
  • Họp trực tuyến hay chỉ họp trực tiếp?
  • Trọng tâm cốt lõi. Hoạt động này tập trung vào trụ cột nào trong bốn trụ cột cốt lõi (kỹ năng Lãnh đạo, Giao tiếp, Tư duy phản biện, Phản biện)?
  • Trong câu lạc bộ hay bên ngoài? Hoạt động này diễn ra trong một cuộc họp câu lạc bộ hay bên ngoài cuộc họp? Ví dụ: một hoạt động có thể đòi hỏi người tham gia phải đến một hội chợ khoa học và phỏng vấn mọi người. Đây sẽ là một hoạt động bên ngoài, ngay cả khi sau đó bạn cần phải trình bày báo cáo cho câu lạc bộ.
  • Mô tả chi tiết – Giải thích những gì diễn ra trong phần họp. Những vai trò nào sẽ làm gì, theo thứ tự nào và trong thời gian bao lâu. Nhớ cung cấp các ví dụ về sự tương tác.
  • Tên của các vai trò tham gia. Ví dụ: "Người chủ trì nói đùa". Một số phần họp có thể yêu cầu nhiều hơn một vai trò. Ngoài ra, đối với mỗi vai trò, hãy chỉ ra:
    • Thời gian chuẩn bị và tham gia. Người đảm nhận vai trò đó cần bao nhiêu thời gian để chuẩn bị (trước cuộc họp), và họ sẽ có bao nhiêu "thời gian trên sân khấu" trong cuộc họp.
    • Độ khó – Đây là một vai trò dễ mà ngay cả một thành viên mới gia nhập cũng có thể làm được, hay là một vai trò khó chỉ dành cho những thành viên dày dạn kinh nghiệm?
    • Giải thích – Người đảm nhận vai trò này chuẩn bị như thế nào? Họ thực hiện vai trò này như thế nào trong các cuộc họp? Ngoài ra, rất hữu ích khi cung cấp các mẹo, cảnh báo và đặc biệt là các ví dụ.
    • Các tiêu chí nhận xét được đề xuất. Mỗi vai trò nên có từ 4 đến 10 câu hỏi để hướng dẫn người nhận xét trong việc đưa ra phản hồi.
  • Ai nhận xét phần này? – Phần này có một người nhận xét đặc biệt (như Người nhận xét ứng biến cho phần Ứng biến) hay được thực hiện bởi một trong những vai trò nhận xét chung như Người nhận xét cuộc họp, Người nhận xét chung về bài nói, v.v.? Hãy nhớ rằng một trong những nguyên tắc cơ bản trong buổi họp câu lạc bộ là hầu hết mọi thứ (mọi vai trò và mọi phần họp) đều cần nhận được phản hồi để cải thiện.
  • Các kỹ năng được đào tạo – Vui lòng cho biết bạn tin rằng hoạt động này đào tạo các kỹ năng nào từ ma trận kỹ năng của chúng tôi.

Contributors to this page: agora and nga.nguyen .
Page last modified on Tuesday November 23, 2021 16:35:28 CET by agora.